Chuyên ngành Điện tử - Máy tính

TS. Lê Anh Ngọc - Khoa Điện tử viễn thông – Đại học Điện lực

Email: anhngoc@epu.edu.vn

Việt nam nói riêng và Thế giới nói chung đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà trong đó tất cả mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ, mọi vật dụng, mọi sản phẩm tiêu dùng, mọi hoạt động sống của con người đều được thực hiện qua các các thiết bị thông minh, kết nối trong môi trường Internet vạn vật (IoT). Máy tính không chỉ còn là những thiết bị chuyên dụng về tính toán mà phát triển thành những thiết bị điều khiển, công cụ làm việc nay đã trở thành thành phần, bộ phận cơ bản quan trọng nhất trong tất cả các thiết bị, sản phẩm thông minh thông dụng như các loại điện thoại, máy tính bảng, mạng truyền thông, thiết bị gia dụng thông minh, hệ thống điều khiển công nghiệp, các bộ điều khiển trong các loại thiết bị khác nhau, các loại robot đa dạng… dùng cho mọi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Nhằm mục đích xây dựng các Chương trình đào tạo chất lượng cao, theo định hướng nhu cầu doanh nghiệp [1], phù hợp với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 [2-5], Chuyên ngành Kỹ sư Điện tử và Kỹ thuật Máy tính tại Trường Đại học Điện lực (EPU) đã được thiết kế và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2018. Chuyên ngành này có tính liên ngành cao về thiết kế, chế tạo máy tính, và các thiết bị điện tử thông minh, tích hợp kiến thức, kỹ năng và khai thác, phát huy thế mạnh cả về giảng dạy và nghiên cứu của hai Khoa Điện tử – Viễn thông và Khoa Công nghệ Thông tin. Đây là ngành đào tạo đang có tốc độ phát triển rất mạnh trên thế giới do nhu cầu lớn và ngày càng gia tăng của tất cả mọi lĩnh vực nghiên cứu phát triển, sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội. Đây cũng là hướng ưu tiên phát triển trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới của Đảng và Nhà nước ta [6]. Trong chiến lược phát triển của Nhà nước, nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ Thông tin, Truyền thông nói chung và ngành Kỹ thuật Máy tính nói riêng của nước ta trong vòng 20 năm tới được xác định với quy mô lên tới hàng triệu kỹ sư. Ngay trong thời gian vừa qua, lĩnh vực này đã thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển rất lớn của các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước và quốc tế như: Viettel, VNPT, Mobifone, Samsung, LG, Intel, Microsoft, IBM, Google, Toshiba, Panasonic, Canon,…

Chương trình đào tạo Kỹ sư Điện tử và Kỹ thuật Máy tính tại Trường Đại học Điện lực (EPU) được thiết kế trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính của các trường Đại học ở Việt nam (Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh (HCMUT) [7], Đại học Bách Khoa Hà nội (HUST)[8], Đại học Công nghệ thông tin –ĐHQG HCM [9], Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà nội (UET) [10] và các chương trình Quốc tế (ACM/IEEE) [11]), chương trình đào tạo kỹ sư chuyên ngành Điện tử và Kỹ thuật Máy tính của EPU bao gồm 10 kỳ học (tương đương 4.5 năm): trong đó 08 kỳ đầu tiên, sinh viên được học các kiến thức cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành Điện tử và Truyển thông; ở kỳ thứ 9, sinh viên được học thêm các kiến thức về chuyên ngành Kỹ thuật máy tính như Thiết kế và tổ chức máy tính, Hệ điều hành thời gian thực, các Kỹ thuật lập trình với các ngôn ngữ lập trình khác nhau và các môn học tự chọn nhằm cung cấp các kiến thức bổ sung về cả phần cứng và phần mềm máy tính. Vận dụng các kiến thức đã học trước về phần điện tử, truyền thông và máy tính để thực hiện đồ án môn học (Đồ án Kỹ thuật máy tính). Bên cạnh đó để hỗ trợ sinh viên khả năng triển khai các ứng dụng thực tế, chương trình hỗ trợ thêm các môn học tự chọn như: Phát triển ứng dụng IoT (Internet of Things - Internet vạn vật), Phát triển ứng dụng trên thiết bị di động; và các môn học hỗ trợ cho việc phát triển các ứng dụng tiên tiến trong thực tế như Điện toán đám mây và Mạng cảm biến không dây. Để hoàn thành chương trình đào tạo kỹ sư (kỳ 10), sinh viên bắt buộc phải thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp và làm đồ án tốt nghiệp theo định hướng chuyên ngành Điện tử và Kỹ thuật máy tính.

Sinh viên được học tập và nghiên cứu trong môi trường giáo dục đại học chuẩn mực và chất lượng, với đội ngũ giảng viên có trình độ cao được đào tạo từ các trường đại học và viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước, có kinh nghiệm và có nhiều thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu (50% có học vị tiến sĩ, 20% có học hàm phó giáo sư). Sinh viên sẽ được sử dụng hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành và thư viện hiện đại. Trong quá trình học tập, sinh viên cũng sẽ có điều kiện được thực tập và thực hành nghề nghiệp tại một số doanh nghiệp hàng đầu về CNTT, Điện tử và Truyền thông đồng thời cũng là các đơn vị có quan hệ hợp tác, liên kết với trường như: VNPT, Viettel, FPT, Samsung, CMC…

Sinh viên tốt nghiệp Chuyên ngành Kỹ sư Điện tử và Kỹ thuật Máy tính tại Trường Đại học Điện lực (EPU) được cung cấp các kiến thức, kỹ năng và cơ hội việc làm như sau:

Kiến thức:

  • Trang bị cho người học kiến thức nền tảng về Điện tử - viễn thông và Máy tính cũng như các kiến thức, các công nghệ chuyên sâu của ngành như: vi xử lý, vi điều khiển, máy tính nhúng, thiết kế vi mạch, lập trình phần mềm nhúng, phần mềm cho các thiết bị điều khiển tự động, phần mềm cho thiết bị di động, hệ thống Internet of Things, điện toán đám mây… Các kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử và Kỹ thuật Máy tính có chuyên môn về thiết kế phần mềm, phần cứng và hệ thống để có thể tích hợp các thành phần đó lại với nhau nhằm giải quyết các bài toán trong thực tiễn;
  • Kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, khoa học chính trị và pháp luật;
  • Kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc;
  • Kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong lĩnh vực điện tử và máy tính;
  • Kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn.

Kỹ năng:

  • Có kỹ năng cần thiết để có thể giải quyết các vấn đề phức tạp trong việc phân tích, ứng dụng, thiết kế, chế tạo, nghiên cứu, phát triển, triển khai, vận hành và đảm bảo kỹ thuật cho các hệ thống điện tử - máy tính;
  • Kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác;
  • Kỹ năng phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi;
  • Kỹ năng đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm;
  • Kỹ năng truyền đạt vấn đề và giải pháp tới người khác tại nơi làm việc; chuyển tải, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hoặc phức tạp.

Vị trí việc làm sau tốt nghiệp:

  • Các kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử và Kỹ thuật Máy tính có thể làm việc với vai trò là các kỹ sư tại các công ty, nhà máy sản xuất, lắp đặt, bảo trì và kinh doanh các thiết bị điện tử - viễn thông và máy tính (SAMSUNG, CMC, VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, Gtel, VietnamMobile,…)
  • Lập trình viên, đặc biệt là lập trình các phần mềm nhúng trên các thiết bị di động, các vi xử lý-vi điều khiển trong các hệ thống công nghiệp, xe ô tô, điện gia dụng, ngôi nhà thông minh,… tại các công ty phần mềm (FPT Software, VNPT Software,..)
  • Nghiên cứu viên trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực liên quan đến điện tử, viễn thông, tin học…với vai trò nghiên cứu phát triển sản phẩm, giải pháp mới; kỹ sư lập dự án, thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì, giám sát, điều hành kỹ thuật, hỗ trợ khách hàng, kinh doanh các sản phẩm điện tử - máy tính
  • Giảng viên tại các cơ sở đào tạo liên quan đến chuyên ngành điện tử viễn thông; Điện tử và kỹ thuật máy tính.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo đánh giá năng lực và nhu cầu sinh viên tốt nghiệp Ngành Kỹ thuật điện tử và truyền thông, Đại học Điện lực, 2017.
  2. Diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4.0, http://cachmangcongnghiep.vecita.gov.vn/.
  3. S.M. Sackey & A. Bester, Industrial engineering curriculum in industry 4.0 in a south african context, Journal of Industrial Engineering December, 2016.
  4. http://radio.voh.com.vn/thoi-su-am-610-khz/phan-1-cac-truong-dai-hoc-chuyen-dong-truoc-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-246947.html
  5. Cơ hội việc làm, https://baotintuc.vn/kinh-te/co-hoi-luong-2000-usdthang-tu-cach-mang-cong-nghiep-40-20170410183656569.htm
  6. Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển công nghiệp, https://vov.vn/chinh-tri/nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-ve-dinh-huong-phat-trien-cong-nghiep-742963.vov
  7. http://oisp.hcmut.edu.vn/tin-tuc/hoc-nganh-nao/nganh-ky-thuat-may-tinh-su-ket-hop-giua-cung-va-mem.html
  8. http://set.hust.edu.vn/index.php/vi/daotao/daotaodaihoc
  9. https://tuyensinh.uit.edu.vn/tong-quan-nganh-ky-thuat-may-tinh
  10. http://uet.vnu.edu.vn/nganh-ky%CC%83-thua%CC%A3t-may-tinh/
  11. Computer Engineering Curricula 2016, https://www.computer.org/cms/ Computer.org/professionaleducation/curricula/ComputerEngineeringCurricul a2016.pdf