Ngành Điện tử Viễn thông: Chìa khóa nghề nghiệp thời đại số
Trong thời đại số hóa, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Viễn thông không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc kết nối thế giới và định hình các xu hướng công nghệ, mà còn mang đến triển vọng phát triển mạnh mẽ, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, thu nhập hấp dẫn và môi trường học tập năng động cho thế hệ trẻ. Ngành học này bao quát từ truyền thông không dây, IoT, AI đến hệ thống nhúng, điện tử y tế, quốc phòng – những lĩnh vực cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa đất nước.
Vậy ngành học này có vai trò, triển vọng, cơ hội việc làm và chế độ đãi ngộ ra sao? Bài viết dưới đây sẽ mang đến bức tranh toàn diện giúp các bạn trẻ định hướng lựa chọn ngành học phù hợp với xu thế thời đại.
1. Vai trò then chốt của ngành Điện tử Viễn thông
Vai trò của 5G trong kết nối thông minh
Điện tử Viễn thông là động lực thúc đẩy các tiến bộ công nghệ trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Từ những thiết bị điện tử thông minh, các hệ thống vận hành của các thành phố hiện đại và thậm chí là những ứng dụng trong ngành y tế và quốc phòng đều có sự đóng góp không nhỏ của ngành này. Một số lĩnh vực tiêu biểu:
- Mạng viễn thông thế hệ mới: Các công nghệ mạng như 4G, 5G, truyền thông quang, vệ tinh là nền tảng cho sự kết nối toàn cầu. Những mạng này hỗ trợ Internet vạn vật (IoT), các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), giúp tạo ra các thành phố thông minh và thúc đẩy các xu hướng công nghệ tương lai như y tế số, giao thông thông minh, công nghiệp 4.0.
- Hệ thống nhúng và điện tử thông minh: Ngành học này không chỉ giúp các thiết bị điện tử trở nên thông minh hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng như xe tự hành, robot và các hệ thống tự động hóa thông minh trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất.
- Điện tử-máy tính: Lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hệ thống tính toán mạnh mẽ, ứng dụng trong điện toán đám mây, AI và các thiết bị tính toán di động phục vụ trong mọi ngành nghề, từ giáo dục đến chăm sóc sức khỏe.
- Ứng dụng điện tử trong y tế: Công nghệ điện tử đang hỗ trợ phát triển các thiết bị y tế, giúp việc chẩn đoán, theo dõi sức khỏe từ xa trở nên hiệu quả hơn. Các thiết bị điện tử ngày càng cải tiến, mang lại những tiến bộ đáng kể trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
- An ninh và quốc phòng: Các hệ thống điện tử viễn thông góp phần hiện đại hóa thông tin liên lạc, hệ thống tác chiến điện tử, nâng cao khả năng giám sát và phòng thủ trong mọi tình huống, từ đó bảo vệ an ninh quốc gia.
2. Triển vọng phát triển mạnh mẽ
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, với sự bùng nổ của các lĩnh vực như Internet vạn vật (IoT), 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), thành phố thông minh và công nghiệp bán dẫn, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông (ĐTVT) đang mở ra nhiều cơ hội phát triển đột phá trong tương lai gần.
Sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông thăm quan, trải nghiệm thực tế tại FPT Telecom
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược quan trọng như Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, Chiến lược dữ liệu quốc gia, Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông 5G, cùng nhiều chính sách thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và đầu tư vào công nghệ lõi. Những định hướng này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để ngành ĐTVT bứt phá, mà còn làm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư điện tử – viễn thông có khả năng vận dụng linh hoạt công nghệ vào thực tiễn.
Trong giai đoạn 2025–2030, Việt Nam hướng đến việc hình thành các doanh nghiệp thiết kế vi mạch, phát triển nhà máy sản xuất và kiểm thử chip bán dẫn, đồng thời mở rộng hạ tầng số trên toàn quốc. Những bước đi chiến lược này giúp ngành ĐTVT trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước.
Với nền tảng kỹ thuật vững chắc, khả năng hội nhập nhanh chóng vào các xu hướng công nghệ mới, cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách quốc gia, ngành ĐTVT được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa đất nước.
3. Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Viễn thông có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, công nghiệp điện tử, y tế số, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, và quốc phòng. Do đó, ngành học này mở ra cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các tập đoàn viễn thông lớn như Viettel, MobiFone, VNPT, hoặc các công ty công nghệ hàng đầu như Samsung, LG, Qualcomm. Ngoài ra, còn có cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp phát triển IoT, AI, hệ thống nhúng, hoặc trong các lĩnh vực y tế, quốc phòng, an ninh mạng và các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu.
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel tặng hoa chúc mừng Trường ĐHĐL và Khoa ĐTVT
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng hoa chúc mừng Khoa Điện tử - Viễn thông
4. Thu nhập hấp dẫn và chế độ đãi ngộ cạnh tranh
Theo khảo sát từ các tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử viễn thông tại Việt Nam, kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành này đang đứng trước nhiều cơ hội nghề nghiệp với mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn.
Với vị thế là một trong những tập đoàn viễn thông hàng đầu Đông Nam Á, Viettel đưa ra chính sách đãi ngộ rất cạnh tranh. Cụ thể, kỹ sư mới ra trường có thu nhập từ 13 - 15 triệu đồng/tháng. Mức lương trung bình dao động từ 18 - 20 triệu đồng/tháng. Với kỹ sư có kinh nghiệm, thu nhập có thể lên tới 35 - 40 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào năng lực và vị trí công tác. Nếu làm việc tại các thị trường quốc tế, mức thu nhập trung bình khoảng 30,63 triệu đồng/tháng, và tại công ty mẹ, thu nhập trung bình có thể đạt tới 45,42 triệu đồng/tháng.
MobiFone đưa ra mức lương trung bình từ 15 - 30 triệu đồng/tháng, tùy theo năng lực và vị trí. Đối với các vị trí cao cấp hoặc có nhiều kinh nghiệm, thu nhập tối đa có thể lên đến 40 triệu đồng/tháng, bao gồm lương cứng, thưởng hiệu suất và các khoản phúc lợi khác. Công ty còn cung cấp các phúc lợi hấp dẫn như bảo hiểm sức khỏe, hỗ trợ ăn trưa và các khoản phụ cấp viễn thông nội bộ.
FPT Telecom có mức lương trung bình từ 20–30 triệu đồng/tháng. Mức lương này sẽ tăng tùy theo vị trí công việc và năng lực của kỹ sư. Với những kỹ sư giàu kinh nghiệm, thu nhập có thể cao gấp 1,5 đến 2 lần, đạt khoảng 35–45 triệu đồng/tháng.
5. Học Điện tử viễn thông tại Trường Đại học Điện lực – Bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp tương lai
Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG Hà Nội trao giấy Chứng nhận kiểm định CLGD ngành Công nghệ kỹ thuật ĐTVT của Trường Đại học Điện lực
Là một trong những cơ sở đào tạo uy tín trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Điện lực mang đến chương trình học hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong các lĩnh vực điện tử viễn thông, điện tử máy tính, kỹ thuật điện tử và điện tử y tế – những lĩnh vực then chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sinh viên ngành CNKT ĐTVT trong giờ học thực hành viễn thông tại Trường Đại học Điện lực
Chuyên gia VNPT Technology giới thiệu về các sản phẩm của công ty cho sinh viên ngành CNKT ĐTVT trong đợt thực tập tại doanh nghiệp
Đặc biệt, đội ngũ giảng viên chất lượng cao – với gần 75% là Phó Giáo sư, Tiến sĩ từng học tập và nghiên cứu tại các trường đại học, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước – sẽ đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình học tập.
Bên cạnh đó, Nhà trường luôn chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong ngành, mang lại cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế và cả cơ hội học bổng, khởi nghiệp. Chính sự kết nối chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu thị trường đã giúp sinh viên tốt nghiệp tự tin, sẵn sàng làm việc ngay, đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực với các đơn vị và viện nghiên cứu trong việc đào tạo và NCKH ngành ĐTVT, Kỹ thuật máy tính, Vật liệu bán dẫn và vi mạch
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và Mobifone về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Điện tử Viễn thông và Chuyển đổi số.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và Công ty Cổ phần viễn thông FPT về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Điện tử Viễn thông
6. Thông tin tuyển sinh năm học 2025 - 2026
Năm học 2025-2026, trường Đại học Điện lực dành 690 chỉ tiêu cho 3 ngành đào tạo do khoa Điện tử Viễn thông quản lý, gồm: Công nghệ kỹ thuật Điện tử viễn thông 420 chỉ tiêu, Kỹ thuật máy tính 150 chỉ tiêu và Công nghệ vật liệu bán dẫn và vi mạch 120 chỉ tiêu.
Các hình thức xét tuyển bao gồm: Xét học bạ THPT (tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển lớp 10, 11, 12); Xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; Xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các tổ hợp xét tuyển cho các ngành trên bao gồm: A00; A01; D01 và D07.
7. Kết luận
Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Viễn thông không chỉ là ngành học, mà còn là chìa khóa mở ra tương lai trong thời đại công nghệ số. Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, môi trường học tập năng động và những cơ hội nghề nghiệp đầy hứa hẹn, đây là ngành học lý tưởng cho những ai đam mê sáng tạo và mong muốn góp phần tạo dựng một thế giới số hóa.